Mùa thu của hoài niệm đã về
2024-09-25 13:54:08
Thu đã về, bắt đầu từ trái sấu chín rụng xuống hè phố Phan Đình Phùng. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, vòm trời xanh biếc lấp ló những tia nắng vàng lọt qua tán lá, tia nắng rung rinh vẽ hoa trên mặt đường.
Mùa thu đầu tiên
Cúi nhặt quả sấu chín vàng, chỉ mới đưa lên đã thấy nước miếng chực chờ trong miệng. Nhớ tuổi thơ, mỗi khi có làn gió thổi qua là lũ nhóc chúng tôi hò reo chạy ra hè phố xem đứa nào nhặt được nhiều sấu chín nhất rồi hí hửng: “Quả của tao chín hơn quả của mày” hay “Quả của tao ngọt lừ chứ không chua như quả của mày”. Hơn thua thế thôi chứ vừa nói xong đã quên luôn, bởi vị chua chua, ngòn ngọt của miếng sấu chín đã nhanh chóng xoa dịu chuyện cãi nhau í ới. Trẻ con ấy mà, thích ăn những quả sấu chín rụng xuống vỉa hè, những quả sấu bị rơi đập trượt vỏ xem ra thích hơn những quả sấu tròn trĩnh. Trẻ con là thế, thích những gì mình tự dưng bắt được hơn những thứ được người lớn đưa tận tay.
Tôi nhìn quả sấu chín vàng rồi tự cười một mình, nụ cười kiểu ấy làm mấy cô gái mặc áo dài trắng đang ríu rít gọi nhau chụp ảnh phải dừng lại nhìn vẻ khó hiểu. Khi thấy tôi huơ huơ quả sấu chín lên thì mấy cô bấm lưng áo nhau cười. Có lẽ các cô hiểu ra lý do “ông già” kia cười một mình như vậy. Nắng thu ánh vàng. Gió thu man mát. Cảm giác khoan khoái tràn ngập trong lòng.
Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Cách đây chừng hai chục năm, cũng vào một sáng mùa thu, chúng tôi tìm đến phố Yecsin để gặp Đại tướng Nguyễn Quyết. Vị tướng già vẫn khỏe, trí tuệ đầy minh mẫn. Khi nghe chúng tôi phỏng vấn về Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì vị tướng già từng trải qua hai cuộc trường chinh của dân tộc đã cười rất vui, nét mặt lộ vẻ hân hoan, tự hào: “Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội thực sự là một cuộc cách mạng thành công trọn vẹn. Quan trọng nhất, đó là cuộc cách mạng không tiếng súng”.
Một cuộc cách mạng không tiếng súng ở Hà Nội đã mở màn cho nhân dân cả nước từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược đứng lên lật đổ chính quyền tay sai, thiết lập chính quyền nhân dân. Tôi từng hơn một lần được nghe ông Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hào hứng nói rằng: “Chỉ 1 tuần thôi mà suốt một dải từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau cờ đỏ sao vàng bay rợp trời”. Niềm tự hào ấy có được bởi người dân nước Việt năm ấy chỉ có một niềm tin vào cách mạng. Và chỉ có cách mạng mới thực sự làm thay đổi cuộc sống, “thay đổi trời đất” như tôi đã từng được nghe nhiều lần. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng của lòng dân và là cuộc cách mạng làm rạng bầu trời thu đất nước. Từ mùa thu ấy, mùa thu mà sau này được nhắc tới nhiều lần, được ghi nhận là “Mùa thu cách mạng”.
Cảm hứng Hà Nội
Màu thu đã về. Phố phường Hà Nội vào thu trong sắc vàng của nắng, của mùa trái chín. Mùa thu Hà Nội khiến lòng người xao xuyến bởi những con đường đầy lá vàng rơi, tiết trời se lạnh và phảng phất chút mưa rào nhẹ. Thu về, Hà Nội thay áo mới, lãng mạn hơn, mộng mơ hơn và cũng dịu dàng hơn.
Mỗi độ thu về cũng là thời gian để các văn nghệ sĩ có những cảm hứng sáng tác mới. Có ai đó đã nói rằng: “Mùa thu là mùa của cảm hứng”. Đã có biết bao bài thơ, biết bao bản nhạc, biết bao bức tranh về mùa thu Hà Nội được viết, vẽ và ngân nga. “Gửi cho em khúc tình thu Hà Nội/ Dẫu muộn màng nhưng chẳng vội đâu em/ Bởi tình anh luôn rực cháy khát thèm” (Thu Hà Nội - Võ Sơn Lâm). Hay như: “Hà Nội mùa này lá bắt đầu rơi/ Heo may gió tiết trời se se lạnh/ Sóng nước hồ Tây xanh trong lấp lánh/ Chiều thu tím mờ nhuộm ánh hoàng hôn” (Hà Nội mùa lá rơi - Nguyễn Đình Huân). Theo câu thơ ấy tôi đến với hồ Tây và con đường Thanh Niên. Hàng ngày tôi vẫn thường tới nơi này mà sao trong chiều đầu thu hôm nay bỗng trở nên mới lạ. Gió mơn man sóng nước hay sóng nước mơn man gió? Cả hai - tôi thầm khẳng định như vậy bởi trong ráng chiều, Hồ Tây như trộn hòa cả hai cảm giác lâng lâng đó. Mặt hồ Tây dường như tĩnh lặng đi, cái tĩnh lặng để tự nhìn lại mình, tự ngắm lại những hàng cây đường phố ngỡ tưởng quá quen thuộc nay bất chợt trở nên mới. Ngồi trên ghế, tôi nghe tiếng gió những lời thầm thì: “Em xa rồi bao kỷ niệm còn đấy/ Hoàng hôn buông đâu thấy sắc hoa đào/ Còn lại anh với ký ức nôn nao/Chiều Hồ Tây… sóng trào dâng nỗi nhớ” (Chiều Hồ Tây - Nguyễn Hưng)
Ngày 19-8-1945, hàng vạn người dân Thủ đô đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng và chào mừng Ủy ban Quân quản (Ảnh tư liệu)
Có một người con từ phương Nam xa xôi khi đến thăm Hà Nội vào mùa thu đã xúc cảm thốt lên: “Không giống như cảm nhận của người dân Hà Nội, tôi là người con của vùng đất phương Nam lần đầu đến với Thủ đô vào mùa thu và thật bất ngờ, Hà Nội đẹp lạ lùng, con người bình dị quá thể. Không giống như những “lời đồn” mà tôi đã từng nghe trước đây. Nào là “Hà Nội chật chội, xô bồ”, “Hà Nội đắt đỏ, ồn ào”, “người Hà Nội không thân thiện”, tôi lại có cảm nhận thật khác. Hà Nội vào thu đẹp và lãng mạn lắm. Những con đường không hề đông đúc, tấp nập như ở Sài Gòn, cuộc sống ở đây yên ả và trôi qua vô cùng nhẹ nhàng. Con người Hà Nội thì vô cùng nhiệt tình và thân thương. Tôi thích cuộc sống ở Hà Nội”.
Những con phố nhỏ, những đường phố dài khi bước vào thu cũng như dịu dàng hơn, bình yên hơn, nhưng dường như mỗi độ thu về thì phố phường Hà Nội lại như cổ kính hơn, màu mùa thu đã tô điểm cho những ngôi nhà cổ, những mái ngói rêu phong thêm lãng mạn. Vài chiếc lá vàng rơi xuống mặt đường cũng đủ cho Hà Nội thêm niềm xao xuyến. Tôi nhìn theo bóng dáng những chiếc xe đạp chở đầy hoa trên phố. Mùa thu cũng là mùa của hoa cúc vàng. Dường như những bông hoa cúc ấy đã gom hết cả nắng hè để rồi đợi thu tới là bừng lên khoe sắc. Tôi đang nghe bên tai những tiếng nói thì thầm, năm tháng qua đi, mùa qua đi, nhưng chỉ có mùa thu Hà Nội là vẫn ở đó đẹp và kiêu sa đến nao lòng. Và rồi tôi tự hỏi, giá như không có những ngày mùa thu quá đỗi bình yên thì có lẽ tâm hồn mỗi người không lạc trôi đến tận cùng cảm xúc. Đó là mùa thu. Mùa thu Hà Nội đã về. “Và em đã hẹn mùa thu ấy/ Gọi khẽ anh về dạ ngất ngây” (Thu Hà Nội - David Bùi).
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/mua-thu-cua-hoai-niem-da-ve-post586412.antd
Từ khoá: