Đăng ký

Những “báu vật” trong hai cổ tự ở huyện Chương Mỹ

2024-10-02 09:27:28

Chùa Trăm Gian và chùa Trầm nằm ở huyện Chương Mỹ là hai trong “tứ đại danh thắng” của xứ Đoài, từ lâu đã đi vào văn liệu của lịch sử Phật giáo và kiến trúc nghệ thuật Việt Nam. Hai cổ tự này còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa… độc đáo, được ví như “báu vật”, cần được quan tâm bảo vệ.

PGS.TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia đã có những chia sẻ sâu sắc về các "báu vật" này.


Chùa Trăm Gian được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin
 

Lưu giữ nhiều di vật có giá trị

Điểm nổi bật ở chùa Trăm Gian là còn lưu lại khá nguyên bản hệ thống 18 vị La Hán, được các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là sự phối hợp đặc biệt và sinh động giữa phù điêu và tượng tròn trong một ngôi cổ tự, là một hiện tượng vô cùng độc đáo và khác lạ, mà dường như chưa bắt gặp ở bất cứ một thiết chế Phật giáo nào ở nước ta.

Trong số những pho tượng ở hậu chùa Trăm Gian, nổi bật là pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông, một võ quan nổi tiếng, một vị tướng tài ba và xuất sắc thời Tây Sơn, với nhiều chiến công hiển hách, đóng góp vào cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải Quang Trung, đánh thắng 29 vạn quân xâm lược, giải phóng Thăng Long - Đông Đô, chấm dứt sự đô hộ của nhà Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, mà mặt sau tấm bia, cùng phong cách tạo tượng đã nói rõ niên đại thời Tây Sơn của tác phẩm độc nhất, vô nhị này.

Ngoài ra, trên Phật điện chùa Trăm Gian, trong số đông đảo những tượng thờ, ấn tượng và bề thế là tượng Tuyết Sơn, Quan thế âm Bồ Tát, Di Lặc, vẫn còn giữ nguyên được lớp sơn ta cổ kính, cùng với phong cách tạo tác điêu luyện, gây cảm xúc mãnh liệt đối với người chiêm bái và khách hành hương, gợi nhắc về một khung niên đại thống nhất cho hệ thống tượng tròn trong ngôi cổ tự.

Tại chùa hang Núi Trầm, tên chữ là Long Tiên Động - gợi nhắc về một truyền thống tam giáo của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, hiện còn 40 pho tượng đá, to lớn về kích thước, ấn tượng về phong cảnh điêu khắc đá, cho chúng ta một cảm giác lạ lẫm so với hệ thống tượng chùa truyền thống ở Việt Nam, nhưng dường như khá ăn nhập với không gian và cảnh quan của một ngọn núi có hang động đột khởi giữa một cảnh sắc đồng bằng trù phú. Niên đại của 40 pho tượng còn có những ý kiến khác nhau, nhưng dựa vào cây hương có niên hiệu Chính Hòa 17 (năm 1696), hẳn phải có sợi dây liên hệ đối với kho tài sản quý giá ở Long Tiên.


Vẻ đẹp uy nghi nơi chùa Trăm Gian. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Đồ thờ tự trong chùa Trăm Gian và phức hợp chùa Trầm có nhiều câu đối, đại tự, hương án, bài vị, y môn, chuông, khánh…, đa số là những cổ vật, số ít là những di vật được cung tiến, dễ nhận biết qua cách bố trí và sắp xếp ở chùa. Những đồ thờ tự tạo nên vẻ đẹp huyền ảo và trang nghiêm, qua sự bài trí hợp thức và hợp lý, tạo nên một cảm giác linh thiêng. Ở hai ngôi cổ tự, những đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí tinh xảo, dường như còn giữ nguyên gốc, tạo được một sự nhận biết trực quan về niên đại, qua những họa tiết rồng, phượng, mây…, thể hiện một nghề thủ công đặc sắc và hoàn mỹ thời Nguyễn và sớm hơn đôi chút.

Đặc sắc nhất trong hai ngôi cổ tự, đó là chuông, khánh và trống. Tại chùa Trăm Gian, trong gác trống treo một chiếc trống lớn và một khánh đồng được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Còn ở gác chuông, ngoài giá trị cổ kính của kiến trúc và trang trí kiến trúc, mang phong cách thế kỷ XVII-XVIII của tòa gác này, thì ở đó, còn một quả chuông to lớn, cao hơn 1m, với một vòng đại tự “Quảng Nghiêm cổ tự”, được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794). Bài minh trên chuông là của Phan Huy Ích, một học giả, một vị quan đại thần phụng sự tới ba triều đại phong kiến Việt Nam, suốt từ thời Lê Trung Hưng đến Tây Sơn và nhà Nguyễn. Chuông, khánh, trống mặc dù có niên đại không đồng nhất, nhưng bộ ba này xuất hiện trong một ngôi cổ tự, trên một kiến trúc gác chuông, gác trống cổ kính, hẳn cũng là hiện tượng hiếm thấy trong các ngôi chùa cổ ở Việt Nam.

Ở phức hợp chùa Trầm, theo hồ sơ khu di tích danh thắng quốc gia chùa Trầm và núi Trầm, thực hiện vào tháng 12-1993, thống kê tại chùa Vô Vi cho biết, ở đây có tới 4 quả chuông, được đúc vào năm Giáp Tuất, thời vua Gia Long năm 1804. Chùa Trầm (Long Tiên), cũng có quả chuông cao tới 42cm. Chùa Ba Làng (Quan Âm viện) có một quả chuông đồng, đúc vào thời vua Bảo Đại, năm Đinh Sửu (1937), còn chùa Hang (Long Tiên động) có quả chuông được đúc vào năm Tự Đức thứ 4 (1851).

Bia đá là loại cổ vật khá phong phú tại phức hợp chùa Trầm và chùa Trăm Gian. Những con số thống kê trong hồ sơ di tích giản đơn và sơ lược, cho biết, ở chùa Vô Vi có 11 bia đá, trong đó có cả tấm bia khắc trên vách đá, sớm nhất có niên đại đầu thế kỷ XVI (1515). Ở chùa Long Tiên, có một tấm bia đá do Thái tử Thiếu Bảo Hiệp, đại học sĩ, Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu công đức, có niên đại đầu thế kỷ XX, nhưng văn bản trên bia sử dụng hoàn toàn là chữ Nôm. Tại Long Tiên động, có 17 bài thơ khắc trên vách đá, là những tư liệu quý để tìm hiểu lịch sử và cảnh quan vùng đất này trong quá khứ. Theo hồ sơ di tích chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tại ngôi chùa này có 14 tấm bia đá, trong đó có 2 tấm nằm ở sân phía trước tiền đường, hầu như đã mất hết nét chữ do sự bào mòn của thời gian.

Tuy nhiên, ở chùa Trăm Gian, còn 3 tấm bia vô cùng có giá trị, đó là “Quảng Nghiêm tự bi ký”, có niên đại Hoàng Định 4 (1603), góp phần nghiên cứu lịch sử ngôi cổ tự Quảng Nghiêm. Một tấm bia hình chữ nhật “Đặng tướng công bi”, nói về công lao vị võ tướng Đặng Tiến Đông, dù không được dựng vào thời đại ông cống hiến, nhưng pho tượng và tấm bia hẳn là sự bổ sung cho giá trị hai báu vật, độc nhất vô nhị ở ngôi chùa này. Tấm bia “Tiên Lữ đức thánh bi ký”, dựng năm 1803, thời vua Gia Long, về sự tích vị thánh, được thờ trong cung cấm thâm nghiêm “Nam thiên đại giác”, đó là Đức thánh Bối, vị đắc đạo chân nhân Nguyễn Bình An, quê ở Bối Khê (huyện Thanh Oai ngày nay), người đã trụ trì chùa Trăm Gian và có công lớn trong việc tôn tạo ngôi chùa.


Rồng đá thời Trần được chạm khắc tinh xảo dùng để làm lan can, bậc thành dẫn lên chùa Trăm Gian. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Mộc bản ở chùa Trăm Gian có tới 896 tấm, được chia thành 26 bộ kinh sách; trong đó, có 7 mộc bản còn tồn nghi và 67 mộc bản khắc mới. Tuy nhiên, với những thống kê của giới nghiên cứu Hán Nôm, mộc bản ở đây phần lớn là các bộ kinh và bộ luật được lưu truyền rộng rãi. Đó là những bộ “Dược sự kinh”, “Nhân vương hộ quốc kinh”, “Ngự chế khóa hư”, “Viên giác kinh lược sớ”. Nổi bật trong số các hình khắc này là hình Phật Thích ca tọa trên đài sen thuyết pháp. Hoa văn và hình ảnh đức Phật rõ nét, tinh xảo, mang đậm dấu ấn Phật, có tác động hoằng dương đạo Phật đến với chúng sinh.

Đa phần mộc bản ở chùa Trăm Gian được khắc trên hai mặt, rất ít khắc một mặt. Ở một số mộc bản, tương ứng với trang đầu hay trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản, cho biết thời gian san khắc, người san khắc, địa điểm lưu giữ. Nhiều mộc bản không ghi niên đại, nhưng thư pháp trên đó, cho biết được niên đại tương đối. Những nhận định bước đầu cho hay, mộc bản ở chùa Trăm Gian chính là sản phẩm của chùa, được thực hiện trong một thời gian dài, từ thế kỷ XVII-XVIII đến thế kỷ XIX-XX…

Bàn về những di vật, cổ vật ở chùa Trăm Gian và chùa Trầm chắc sẽ miên miên, vô tận. Để hiểu về giá trị căn bản và toàn diện những báu vật tại hai cổ tự này cần phải có một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc.

Cần có dự án bảo tồn giá trị nguyên gốc các báu vật

Cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian, với những mộc bản và bia đá, những bộ sưu tập lớn, mang nhiều giá trị văn bản..., nếu được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản, hứa hẹn sẽ xây dựng được những bộ hồ sơ về ký ức, tư liệu có giá trị.

Những đánh giá bước đầu từ di vật, cổ vật cùng với những giá trị khác nữa của chùa Trầm và chùa Trăm Gian, hứa hẹn nơi đây trở thành một khu di tích quốc gia đặc biệt. Những danh hiệu được tôn vinh, theo đó là những thương hiệu được quảng bá, công việc phát huy giá trị sẽ thuận lợi hơn nhiều, đáp ứng được kỳ vọng và sự mong mỏi của cộng đồng.


Các bức tượng có niên đại hàng trăm năm trong chùa Hang. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Chúng tôi cũng mạo muội thăng hoa để suy nghĩ đến một bộ phù điêu “thập bát La Hán”, một bệ thờ hiếm hoi và đặc biệt bằng đất nung thời Mạc, một bia và tượng thờ danh tướng Đặng Tiến Đông, cùng những bộ thành bậc đá, giao thoa và tiếp biến, hiếm thấy ở các di tích tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, hẳn cũng là những ý tưởng hay để khai thác phát huy, trong mối quan hệ tổng thể: Cảnh quan - di tích - di vật, cổ vật, nếu được xuất bản thành những ấn phẩm đẹp, phổ thông qua những diễn giải gọn nhẹ, sâu sắc và hấp dẫn, như là những sản phẩm mang giá trị riêng có của hai cổ tự.

Ngoài ra, câu chuyện bảo quản những báu vật ở những ngôi cổ tự cũng cần được quan tâm. Những tượng Phật, tượng thần, tượng thánh, tượng mẫu… đã từng bị xâm hại cần có dự án phục dựng nguyên gốc giá trị các báu vật. Chúng tôi băn khoăn về những tấm phù điêu La Hán đã bị nứt nẻ và bong tróc lớp sơn ta, cần có một dự án được lồng ghép trong dự án tổng thể “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian”. Đó cũng là mong muốn lồng ghép để có một dự án khôi phục lại bệ đất nung ở chùa Trăm Gian, nhằm bảo đảm tính khách quan và khoa học.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhung-bau-vat-trong-hai-co-tu-o-huyen-chuong-my-679938.html


 

Từ khoá: